Xung đột leo thang Chiến_tranh_Nagorno-Karabakh

Chiến dịch Goranboy

Xe bọc thép của Azerbaizan bị phá hủy tại Karabagh.

Ngày 12 tháng 6 năm 1992, quân đội Azeri, cùng với lữ đoàn của Huseynov, sử dụng một số lớn xe tăng, xe bọc thép chở quân và máy bay trực thăng chiến đấu, mở chiến dịch Goranboy, một chiến dịch lớn kéo dài ba ngày ở khu vực Shahumyan hầu như không được phòng thủ, nằm ở phía bắc Nagorno-Karabakh, và đánh chiếm được hàng chục làng mạc ở khu vực Shahumyan, vốn nằm trong tay lực lượng Armenia. Một lý do khác giải thích việc mặt trận này tan vỡ dễ dàng là vì nó được phòng ngự bởi các phân đội quân tình nguyện từ Armenia, nhưng họ đã trở về nhà sau chiến thắng Lachin.[16] Chiến dịch này khiến chính quyền Armenian phải ra mặt đe dọa Azerbaijan rằng họ sẽ công khai hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Karabakh.[48]

Cuộc tấn công buộc lực lượng Armenian phải rút lui theo phía nam về Stepanakert, nơi các chỉ huy Karabakh đã phải tính đến việc phá hủy đập thủy điện Martakert trọng yếu trong vùng, nếu như họ không chặn lại được chiến dịch này. Chừng 30.000 người Armenian buộc phải dời bỏ nhà cửa chạy tị nạn, vì lực lượng tấn công đã chiếm được gần nửa lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, mũi đột kích của quân Azeris bị chặn lại bởi trực thăng chiến đấu[16]. Người ta cho là rất nhiều tổ lính lái xe tăng của quân Azeri là lính Nga thuộc Sư đoàn 104 Dù cận vệ, đóng tại Ganja, và nghịch lý là, cũng chính những đơn vị thuộc sư đoàn đó chặn đứng họ. Theo một quan chức chính phủ Armenia, họ đã thuyết phục được các đơn vị quân Nga bắn phá, và chặn đứng lại được cuộc công kích trong mấy ngày, tạo điều kiện cho chính quyền Armenia phục hồi tổn thất, và mở cuộc phản công để tái lập tuyến mặt trận trước khi nổ ra chiến dịch.[16]

Nỗ lực trung gian hòa giải

Mùa hè 1992, tổ chức CSCE (sau này là OSCE), thành lập nhóm MinskHelsinki, bao gồm 7 quốc gia, đồng chủ tịch gồm Pháp, NgaHoa Kỳ, nhằm mục tiêu trung gian đàm phán hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan. Tuy nhiên, trong cuộc họp thượng đỉnh thường niên năm 1992, tổ chức này không thành công trong việc đề cập đến và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh kể từ khi Liên Xô tan rã, chứ chưa kể đến cuộc xung độ Karabakh. Cuộc chiến ở Nam Tư, chiến tranh ở Moldova với Cộng hòa ly khai Transnistria, yêu sách đòi độc lập khỏi Nga của người Chechnya và việc Gruzia mâu thuẫn với Nga trong vấn đề AbkhaziaNam Ossetia đều là các vấn đề nghị sự quan trọng hàng đầu, liên quan đến nhiều nhóm sắc tộc xung đột lẫn nhau.[49]

Tổ chức CSCE đề xuất sử dụng lực lượng gìn giữ hòa bình NATO và SNG để kiểm soát lệnh ngưng bắn, bảo vệ các chuyến hàng nhân đạo gửi đến cho người tị nạn. Một vài lệnh ngưng bắn được đưa vào hiệu lực sau chiến dịch tháng 6, nhưng việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu, được Armenia chấp thuận, không trở thành hiện thực. Ý tưởng đưa 100 quan sát viên quốc tế đến Karabakh được đặt ra, nhưng đàm phán giữa các lãnh đạo Armenia và Azeri đổ vỡ hoàn toàn vào tháng 7. Nước Nga kiên quyết phản đối sự có mặt của bất kỳ lực lượng đa quốc gia nào ở vùng núi Caucasus, coi đó là hành vi xâm lấn vào "sân sau" của mình.[13]

Giao tranh tái diễn

Cuối tháng 6, một chiến dịch tấn công nhỏ của quân Azeri diễn ra, nhằm vào thị trấn Martuni ở nửa đông nam của Karabakh. Lực lượng tấn công gồm hàng chục xe tăng và xe bọc thép, hỗ trợ bởi vài đại đội bộ binh, dàn quân dọc theo mặt trận Majgalashen và Jardar gần Martuni và Krasnyi Bazar. Chỉ huy trung đoàn Martuni, Monte Melkonian, được binh sĩ của mình mệnh danh là "Avo", dù không có xe bọc thép hạng nặng, cũng tìm cách đẩy lùi được mấy đợt tấn công của quân Azeri[31]

Cuối tháng 8 năm 1992, chính quyền Nagorno-Karabakh rơi vào tình hình hỗn loạn, các thành viên chính phủ từ nhiệm ngày 17 tháng 8. Quyền lực được trao vào tay một hội đồng gọi là Ủy ban Quốc phòng, chủ tịch là Robert Kocharyan, tuyên bố họ sẽ tạm thời nắm quyền cho tới khi cuộc xung đột chấm dứt[16]. Cùng thời gian, Azerbaijan mở nhiều cuộc tấn công bằng phi cơ, ném bom vào các vị trí dân cư. Kocharyan lên án cái ông gọi là sự cố ý giết chóc dân thường của phía Azeris, và sự thờ ơ, bàng quan của phía Nga trong việc để cho các kho vũ khí của mình bị mang ra bán hay chuyển giao cho Azerbaijan. Tuyên bố của Kocharyan được xác nhận bởi các phi công Nga và Ukraina, được thuê để lái máy bay cho không lực Azerbaijan, sau khi bị bắn rơi gần Stepanakert. Các phi công cho biết các chỉ huy Azerbaijani vạch kế hoạch bắn phá các khu dân cư thay vì các mục tiêu quân sự, nhằm tạo ra sự hoảng loạn trong dân cư sống ở thủ phủ[50]

Mùa đông 1992

Mùa đông năm 1992 đến gần, cả hai phía đều tránh tung ra các chiến dịch lớn để bảo tồn nguồn cung ứng như điện và dầu cho nhu cầu dân sự. Mặc dù đã mở được một con đường nối với các khu dân cư ở Karabakh, cả Armenia lẫn vùng lãnh thổ này đều phải trải qua một thời kỳ khó khăn, do cuộc phong tỏa mà Azerbaijan tiến hành. Dù không hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, nhưng hàng viện trợ gửi qua đường Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đến nhỏ giọt[13]

Do thiếu lương thực và điện trầm trọng, sau khi nhà máy điện hạt nhân Metsamor phải đóng cửa, tình hình kinh tế Armenia rất ảm đạm: ở Gruzia, một cuộc xung đột với các vùng lãnh thổ ly khai AbkhaziaNam Ossetia bùng lên, quân ly khai liên tục đột kích các chuyến xe và tuyến đường dẫn dầu từ Nga đến Armenia. Cũng giống như mùa đông 1991–1992, mùa đông 1992–1993 hết sức khắc nghiệt, rất nhiều gia đình trên toàn Armenia và Karabakh phải chịu cảnh không có nước nóng và lò sưởi.[51]

Các nhu yếu phẩm khác, như ngũ cốc, còn khó kiếm được hơn. Cộng đồng Armenia hải ngoại quyên góp tiền bạc và gửi đồ tiếp tế về cho Armenia. Trong tháng 12, hai chuyến tàu chở 33.000 tấn ngũ cốc và 150 tấn bột cho trẻ em được chuyển về từ Hoa Kỳ theo đường Biển Đen cập cảng Batumi của Gruzia.[51] tháng 2 năm 1993, Cộng đồng châu Âu cũng gửi 4.5 triệu Ecu cho Armenia.[51] Láng giềng phía nam của Armenia là Iran, cũng hỗ trợ kinh tế cho Armenia bằng cách cung cấp năng lượng và điện cho Armenia. Lập trường chống Iran của Elchibey cũng như những tuyên bố muốn thống nhất với các vùng dân cư người Azeri thiểu số ở Iran làm quan hệ giữa hai phía trở nên căng thẳng.

Những người Azeris mất nhà cửa buộc phải sống trong các khu trại tạm bợ do chính quyền Azerbaijan và Iran dựng. Hội chữ thập đỏ cũng phân phát chăn màn cho người dân Azeris, và cho biết tới tháng 12, đã có đủ lương thực dành cho người tị nạn[52]. Azerbaijan cũng phải vật lộn để khôi phục lại nền công nghiệp khai thác dầu của mình, nguồn xuất khẩu chính của họ. Các nhà máy lọc dầu của họ không được chạy hết công suất, và sản lượng khai thác thấp hơn nhiều so với ước tính. Năm 1965, các giếng dầu ở Baku sản xuất được 21.5 triệu tấn dầu hàng năm; tới 1988, con số đó chỉ còn gần 3.3 triệu tấn. Trang thiết bị lạc hậu từ thời Sô Viết, và việc các công ty dầu mỏ phương tây e ngại không muốn đầu tư vào một vùng đất có chiến tranh, nơi đường ống dẫn dầu liên tục bị phá hoại, khiến cho Azerbaijan không thể nào phát huy hết được nguồn tài nguyên giàu có của mình.[13]